dịch · Translated Books

[Trans] Demian – Chương I (I)

1-ovaras8

Chương I – Hai thế giới

Phần I.

Biên dịch: Gf93
Biên tập: An
Minh họa: High Blood


 

Tôi sẽ bắt đầu câu chuyện bằng một trải nghiệm lúc mình mười tuổi, khi tôi còn học ở ngôi trường La-tinh trong thị trấn. Những điều ngọt ngào khi ấy cho đến giờ vẫn luôn khuấy động tâm can và làm tôi nghẹn lòng trong cái buồn đau u uất. Đó là những con ngõ tối tăm hay những con đường sáng sủa; những ngôi nhà cùng với những tháp cao; kẻ bằng mặt hay kẻ bằng lòng; những căn phòng giàu sang và thoải mái; ấm áp và vô lo; theo đó là những nơi ngập tràn bí mật. Mọi thứ đều mang theo hơi ấm thân quen, những cô hầu, những bài thuốc gia đình và cả những thứ quả khô nhỏ bé.

Vương quốc của ngày và đêm, hai thế giới đối lập giờ đây lại hòa lẫn vào nhau. Ngôi nhà của cha mẹ với tôi là một thế giới, nhưng nó đang dần thu hẹp, chỉ đủ ôm lấy chính họ mà thôi. Mọi thứ ở nơi này đều vô cùng thân thuộc với tôi, nơi có cha, có mẹ, tình yêu thương đi cùng với sự nghiêm khắc, những hành xử khuôn mẫu, cũng như trường học. Nơi đó có ánh sáng chói lòa, sáng sủa, sạch sẽ, những cuộc đối thoại hòa nhã, những bàn tay được rửa kỹ càng, quần áo tinh tươm, và những lề thói tốt đẹp. Tôi sẽ được đánh thức bằng những bản thánh ca mỗi sáng, và được hồi hộp mừng đón Giáng sinh. Con đường tương lai tôi sẽ được định sẵn, có trách nhiệm, cũng có mặc cảm; những tâm hồn tội lỗi và những lời xưng tội van lơn; có sự vị tha để không tái phạm sai lầm; có tình yêu, lòng sùng kính, sự thông thái và những lời dạy của Thánh Kinh. Nếu ai kia truy cầu một cuộc đời không tì vết và được sắp xếp tất thảy, thì thế giới này chính là chốn dừng chân.

Thế giới còn lại, thứ bao phủ lấy nửa căn nhà lại là nơi đối lập hoàn toàn. Nơi đó có mùi lạ lẫm, ngôn ngữ khác biệt, người ta khát cầu những thứ hoàn toàn khác. Nơi này có những cô hầu và người làm công; những câu chuyện ma quỷ, những tin đồn và những gièm pha bàn tán. Nơi này được bao bọc trong thứ hỗn hợp của những gì gớm ghiếc, kích thích, ghê rợn và bí ẩn. Đó là những lò mổ, những nhà tù, kẻ nghiện rượu cùng những tiếng chửi chua ngoa của người bán cá; còn có những con bò đang kỳ sinh đẻ những con ngựa chết mòn, và những câu chuyện về cướp bóc, giết người và tự sát. Xung quanh ta tràn ngập những điều hấp dẫn, hoang dại nhưng cũng thật tàn nhẫn và kinh khủng, có thể tìm thấy ở ngay lối rẽ tiếp theo, hay ngôi nhà sắp đến. Cảnh sát hay gái điếm, kẻ nghiện rượu đánh vợ hay những cô gái ùa ra khỏi công xưởng vào ban đêm, những mụ phù thủy bỏ bùa mê làm ta bệnh tật, những tên ăn trộm khuất lẩn trong rừng già, và lũ đốt nhà bị bắt quả tang- mọi ngóc ngách nơi đây đều tỏa ra cái mùi đặc trưng, nhưng may mắn sao chỉ trừ căn nhà của cha mẹ. Thật vui khi biết rằng bình yên và trật tự, tĩnh lặng và thiện lương, vị tha và yêu thương nồng hậu, vẫn tràn ngập nơi này. Nhưng cũng thú vị làm sao khi thế giới kia cũng song song tồn tại, vô số những âm thanh khó nghe, đầy rẫy buồn thương và bạo hành. Nhưng tuyệt nhất là khi tôi vẫn có thể dễ dàng thoát ra khỏi những điều u ám để sà vào lòng mẹ an yên.

Hai thế giới ấy vừa tách biệt, nhưng cũng lại gần gũi một cách diệu kỳ. Tỉ như khi cô hầu Lina ngồi bên cửa phòng khách, khẽ ngân nga giai điệu bài thánh ca và cùng chúng tôi cầu nguyện. Đôi tay sạch sẽ đặt gọn gàng trên chiếc tạp dề trắng muốt phẳng phiu, nàng thuộc về cha và mẹ và chúng tôi, thuộc về ánh sáng và sự công bằng. Nhưng sau đó, trong góc nhà bếp hoặc nơi kho củi, nàng dường như trở thành một người xa lạ khi kể tôi nghe câu chuyện về “gã nhỏ thó không đầu”, hay như khi nàng cãi nhau với mụ bán thịt nhà bên. Nàng khi ấy thuộc về một thế giới khác, nơi giấu nàng đi bằng ngàn bí ẩn. Và đó là cách mọi việc vẫn diễn ra, hay chính là cách tôi vẫn đang tồn tại. Chẳng một chút đắn đo khi khẳng định rằng vì là con của cha mẹ nên tôi thuộc về vương quốc của ánh sáng và công bằng. Nhưng trên mỗi bước đường đời tôi đi, tôi lại nhận thức nhiều hơn về một thế giới khác. Tôi cũng sống trong lòng thế giới ấy, dù cho bản thân còn bao lạ lẫm, dù cho phải chịu đựng đau đớn và khủng hoảng tinh thần. Đã có những lúc tôi thực sự muốn sống ở nơi cấm địa hoang tàn, nhưng vẫn có thể tùy nghi trở lại thế giới có mẹ cha – một nơi chẳng đẹp như tôi muốn, tẻ ngắt và chán nản. Nhiều khi tôi đã chắc chắn rằng số mệnh của mình là trở thành một người sáng suốt, kiên định, ngăn nắp và giỏi giang như cha mẹ. Nhưng mục tiêu ấy nghe thật xa vời, đạt được điều đó đồng nghĩa với việc phải đến trường đầy đủ, phải học tập không ngừng, vượt qua nào những kiểm tra và thi cử. Và chính sự xa vời ấy đã kéo tôi lại gần hơn với vương quốc tối tăm kia. Thật dễ dàng để một người có thể trở thành một phần của thế giới ấy và rồi đắm chìm vào đó. Có những câu chuyện tôi từng đọc một cách say mê, về những người con trót lầm đường lạc lối. Những câu chuyện ấy luôn miêu tả việc trở về nhà như một sự cứu rỗi, hay như thứ gì đó thật phi thường; làm tôi hoàn toàn bị thuyết phục rằng việc trở về nhà là điều đúng đắn, tuyệt vời và đáng để truy cầu nhất. Cho dù vậy, một câu chuyện chất đầy xấu xa và lạc lõng lại hấp dẫn hơn rất nhiều, đặc biệt là trong những thời điểm tôi không muốn “Đứa con hoang đàng” [1] trong tim bỗng dưng hối cải quay đầu. Nhưng chẳng ai dám nghĩ về điều đó, càng không dám bàn tán nhỏ to. Thế giới tối tăm này chỉ hiện hữu như một thứ điềm báo, một mầm mống nảy sinh thẳm sâu tận trong ý thức của một con người. Mỗi khi tôi hình dung về loài quỷ dữ, thì hiện lên luôn là cảnh hắn đứng ở dưới phố, dù có ngụy trang hay phơi bày hình dáng thật, dù đang ở một hội chợ miền quê hay trong quá bar ồn ã, thì cũng sẽ không bao giờ ở trong nhà với chúng tôi.

Những người chị của tôi cũng thuộc về vương quốc ánh sáng. Tôi luôn có cảm giác họ mang trên mình thứ ái lực tự nhiên hấp dẫn mẹ cha. Họ hành xử tốt hơn, và mắc ít lỗi lầm hơn tôi rất nhiều. Tất nhiên vẫn có những khi các nàng mắc lỗi hay phải trải qua những giây phút thăng trầm, nhưng những điều u uất ấy không ảnh hưởng sâu sắc đến họ như chúng đã làm tổn thương tôi. Vì tôi đây là kẻ gần gũi với bóng đêm mờ mịt, mang trong mình thứ kết nối vô hình với ác quỷ, ngày càng ngột ngạt và đớn đau. Các chị xứng đáng được hưởng cuộc sống an nhàn và được tôn trọng giống như cha mẹ. Nếu giữa chúng tôi nảy sinh bất hòa, sau tất cả tôi vẫn là kẻ phải tự sám hối, tự quở trách bản thân và phải cầu xin sự tha thứ. Vì xúc phạm chị tôi là xúc phạm cha mẹ, là sỉ nhục những gì tốt đẹp cao quý. Vậy nên tôi thà sẻ chia những bí mật của mình cho những kẻ lưu manh, còn hơn là kể cho chị gái mình. Vào những ngày bản ngã của tôi không kêu gào đòi giải thoát, tôi có thể chơi với các chị một cách hồn nhiên và vui vẻ, mang trên mình những gì tốt đẹp và tao nhã, toát ra thứ ánh sáng cao quý giống như các nàng. Tôi bộc lộ mọi thứ mà một thiên thần cần có, những phẩm chất tốt đẹp nhất mà một người có thể hình dung. Thế nhưng những ngày tươi sáng ấy lại ít ỏi đến đau lòng. Mỗi khi vui đùa dù chỉ là những trò chơi vô hại, tôi cũng trở nên quá khích và ương ngạnh, những điều này là quá sức đối với chị tôi. Rồi những cuộc cãi vã lại bức tôi vào vai một kẻ xấu xa chỉ biết nổi cơn thịnh nộ. Họ và tôi đều cùng một lúc khiến trái tim đối phương khô cằn bằng những lời lẽ và việc làm cay độc. Và rồi sau đó lại là quãng thời gian hối lỗi và ăn năn đầy u ám và khắc nghiệt, mang theo sự đau đớn tột cùng khi phải van cầu tha thứ. Cuối cùng sẽ lại kết thúc bằng những chùm sáng lấp lóa và sự hân hoan bình yên trọn vẹn.

Tôi đi học ở một ngôi trường La-tinh. Hai cậu con trai của ngài thị trưởng và ông chủ của khu rừng học chung lớp với tôi và đôi khi họ cũng đến thăm nhà. Dù cho cả hai đều ngỗ ngược, thì họ vẫn là những đứa con của cái thiện lương và mẫu mực. Thế nhưng không có nghĩa là tôi không chơi cùng những cậu trai hàng xóm, những người học ở trường công mà chúng ta luôn khinh thường. Và một trong số họ, đã cùng tôi bắt đầu câu chuyện đời mình.

Vào một ngày nghỉ nửa buổi, khi đang cùng hai cậu nhóc hàng xóm rong chơi khắp nẻo, con trai của gã thợ may – một thằng nhóc vạm vỡ và cao lớn học trường công đã xin gia nhập. Bố cậu ta là kẻ nát rượu và cả nhà đều mang tiếng xấu. Tôi đã được nghe nhiều về Franz Kromer, đã từng khiếp sợ cậu ta không hề lấy làm thích thú khi cậu ta bước tới. Bộ dạng chững chạc như kẻ trưởng thành và còn bắt chước dáng đi của những người công nhân nhà máy. Dưới sự chỉ huy của Kromer, chúng tôi trèo xuống khu đất bên bờ sông và trốn dưới nhịp đầu tiên của cây cầu vòm [2]. Dải đất hẹp giữa phần tường cong cong và dòng sông chảy trôi lười biếng bị lấp đầy bởi nào những thứ đồ bỏ đi, những mảnh vỡ, những túi bọc dây thép và rác thải bị ném lộn xộn. Thỉnh thoảng ai đó có thể nhặt nhạnh được thứ gì hữu ích. Franz Kromer bắt chúng tôi lùng sục cả khu đất và cho cậu ta xem chúng tôi đã tìm được gì. Sau đó cậu ta hoặc sẽ đút túi hoặc sẽ ném lại xuống sông. Cậu ta bắt chúng tôi phải tìm những đồ vật làm từ chì, đồng thau và thiếc và rồi giấu hết chúng đi, thậm chí không chừa lại cả chiếc lược sừng. Tôi cảm thấy rất khó chịu với sự hiện diện của cậu ta. Không phải bởi vì cha sẽ không cho phép, mà đơn giản chỉ là tôi sợ hãi Franz dù cũng đã rất vui khi được cậu ta chấp nhận và đối xử như bao người khác. Cậu ta ra lệnh, chúng tôi vâng lời, tựa như một thói quen cố hữu dù đây hoàn toàn là lần đầu tôi đi cùng cậu.

Khi chúng tôi vừa ngồi xuống được một lúc, Franz nhổ toẹt nước bọt xuống sông. Cậu ta khạc nhổ và đánh bất cứ thứ gì mình nhắm tới. Một cuộc nói chuyện bắt đầu, những cậu trai bắt đầu khoe khoang và tự tán dương bản thân bằng những bài thơ ca tụng và mấy trò bịp bợm. Tôi chỉ yên lặng nhưng cũng sợ rằng sự yên lặng của tôi sẽ khiến Kromer tức giận. Hai cậu bạn kia bắt đầu xa lánh tôi ngay khi Franz Kromer nhập cuộc. Tôi thấy lạc lõng vô cùng và dường như bộ dạng cũng như quần áo của tôi chính là rào cản. Sẽ không đời nào có chuyện Franz cũng như hai người kia có thể thực sự thích tôi – một đứa trẻ học trường tư, mà người ta vẫn nghĩ chúng sống đủ đầy và được cha mẹ nuông chiều đến hư. Tôi cảm nhận được rằng mình chẳng mấy chốc sẽ bị ruồng rẫy và bỏ rơi.

Sau cùng, tôi cũng quyết tâm bỏ qua lo lắng mà bắt đầu kể chuyện. Tôi bịa ra một câu chuyện dài về một vụ trộm mà ở nơi đó tôi ngạo nghễ như một vị anh hùng. Một đêm nọ trong khu vườn gần chiếc cối xay gió, tôi cùng đứa bạn đã ăn trộm một bao tải đầy táo. Những quả táo đều là hàng thượng đẳng chứ chẳng phải thứ tầm thường. Chính nỗi sợ hãi đã khiến tôi phải tìm nơi ẩn náu trong câu chuyện, nơi tôi có thể tự nhiên sáng tạo và ba hoa. Để khiến mọi thứ không rơi vào tĩnh lặng, hay thậm chí khiến tình hình trở nên tồi tệ, tôi đã phải dốc hết khả năng kể chuyện của mình. Tôi tiếp tục kể, rằng một trong số chúng tôi đã phải đứng canh trong khi những người còn lại trèo lên cây và rung cành cho táo rụng. Thế rồi chiếc bao quá nặng, đến nỗi chúng tôi phải bỏ lại nửa số táo để chuồn đi, và nửa tiếng sau quay lại để trộm nốt số táo thừa.

Kết thúc câu chuyện, tôi ngóng chờ dấu hiệu của sự tán đồng. Chính tôi cũng đã trở nên hào hứng từ đầu đến cuối và tự cuốn bản thân chìm vào tài bịa truyện của mình. Hai người kia chỉ chờ đợi mà chẳng mở lời, nhưng Franz Kromer thì lườm tôi sắc lẻm bằng cái cặp mắt híp tịt rồi hằm hè dò hỏi:

“Truyện mày kể có thật không?”

“Là thật.” Tôi đáp.

“Thật sự là thật hả?”

“Phải, tất cả đều là thật.” Tôi cắn răng cứng đầu đáp lại dù bên trong đang không ngừng run rẩy.

“Mày dám thề không?” Tôi sợ đến co rúm lại nhưng vẫn nhất mực khăng khăng.

“Vậy mày hãy nói: Tôi thề có Chúa và các thánh thần.”

“Tôi thề có Chúa và các thánh thần.” Tôi lặp lại.

“Vậy được rồi.” Cậu ta đáp gọn lỏn rồi quay đi.

Tôi nghĩ có lẽ mọi chuyện giờ đã ổn, và cảm thấy nhẹ nhõm khi cậu ta đứng lên và trở về nhà. Sau khi trèo lại lên cầu, tôi dè dặt nói rằng mình sẽ về nhà một mình.

“Mày làm gì mà phải vội thế.” Franz cười lanh lảnh. “Đằng nào chúng ta chẳng về chung đường.”

Rồi cậu ta cứ thong thả bước đi còn tôi thì chẳng dám bỏ chạy, vì cậu ta thực sự đang đi về hướng nhà mình. Khi cả lũ đến nơi, tôi ngẩng lên nhìn cánh cửa, ngắm những tia nắng xuyên qua cửa sổ và chiếc rèm cửa phòng mẹ đong đưa, tôi thở phào nhẹ nhõm. Khi tôi cố gắng mở cửa thật nhanh và lách vào, sẵn sàng đóng sầm cửa lại, thì Franz Kromer cũng cố len vào ngay sau tôi. Franz đứng sát cạnh tôi nơi hành lang lát đá tối tăm, chỉ nhận được chút ánh sáng nhợt nhạt nơi cửa sổ nhìn ra sân sau, giữ chặt vai tôi và nhẹ nhàng hỏi:

“Sao mày cứ phải vội thế làm gì?”

Tôi khiếp sợ nhìn không chớp mắt còn cậu ta vẫn kẹp chặt tôi trong tay của mình. Tôi chợt nghĩ trong đầu lẽ nào cậu ta muốn đánh tôi. Tôi cố gắng lựa chọn có nên hét loạn lên hay không, rồi sẽ có người nghe thấy và chạy xuống cứu tôi. Nhưng rồi tôi lại tự gạt đi.

“Sao nào, cậu muốn gì?” Tôi hỏi.

“Chẳng có gì, tao chỉ muốn hỏi riêng mày vài điều thôi. Hai thằng kia không cần phải nghe.”

“Ồ vậy sao? Tôi thì chẳng có gì để nói với cậu cả. Buông tôi ra, tôi phải lên nhà.”

Bằng thứ giọng nhẹ nhàng, Franz Kromer lại hỏi:

“Mày có biết chủ nhân khu vườn cạnh cối xay gió là ai không?”

“Tôi không rõ nữa, có lẽ là chủ của chiếc cối xay.”

Franz vòng tay qua người tôi và kéo tôi lại thật gần, ép tôi phải nhìn thẳng vào khuôn mặt cậu ta. Đôi mắt và cả nụ cười của cậu ta đều toát lên cái vẻ thâm hiểm và độc ác, gương mặt thì được vẽ nên bởi sự hung tàn và sức mạnh.

“Tao có thể nói cho mày biết chính xác chủ nhân khu vườn là ai, tao mới hay tin gần đây nơi đó thường bị ai đó ăn trộm táo. Và người chủ khu vườn nói ông ấy sẽ thưởng hai đồng mác [3] cho ai tìm ra thủ phạm.”

“Ôi Chúa ơi, cậu sẽ không làm vậy phải không?” Tôi la lên.

Tôi cảm thấy việc cầu xin lòng nhân đức của cậu ta lúc nãy cũng vô dụng. Tôi nhận thức được rằng tên này đến từ thế giới kia, nơi mà sự phản bội không phải là tội lỗi. Những con người của thế giới đó không cùng quan điểm với chúng tôi về những chuyện thế này.

“Không định nói gì à? Này nhóc, mày nghĩ tao là ai? Mày nghĩ tao có cả núi tiền à? Tao nghèo, tao không có một ông bố giàu có như mày và nếu tao có cơ hội kiếm được hai đồng, tao cũng bất chấp để có được. Mà có khi ông ấy còn thưởng thêm nữa.” Kromer cười.

Bỗng nhiên cậu ta buông tôi ra. Cái thứ mùi bình yên và an toàn nơi hành lang đã hoàn toàn biến mất, thế giới xung quanh tôi dần vỡ vụn. Kromer sẽ giao tôi cho cảnh sát. Tôi sẽ trở thành tội phạm, người ta sẽ thông báo cho cha, hay có khi cảnh sát sẽ đến tận nhà. Tất cả những sự khiếp sợ hỗn độn ấy đe dọa tôi, mọi thứ xấu xí và nguy hiểm cùng đoàn kết chống lại tôi. Dù rằng tôi có thề rằng tôi chẳng ăn cắp thì giờ cũng chẳng còn nghĩa lý.

Nước mắt tôi ứa ra, tôi cảm thấy mình phải đưa ra một thỏa thuận, tôi tuyệt vọng móc hết túi quần và túi áo. Tôi nhận ra mình chẳng có gì cả, dù chỉ là một quả táo, hay là một con dao. Tôi chợt nghĩ đến chiếc đồng hồ cũ bằng bạc của bà mà tôi vẫn đeo làm cảnh vì từ lâu nó đã không còn chạy nữa. Tôi nhanh chóng tháo nó ra và nói với Kromer:

“Nghe này, làm ơn đừng tố cáo tôi. Như vậy thật chẳng công bằng. Tôi tặng cậu chiếc đồng hồ này như lễ vật cầu hòa nhé, này nhìn đi. Ngoài ra tôi chẳng còn gì cả. Cậu lấy nó đi, nó được làm bằng bạc, tuy có chút vấn đề trong việc xem giờ nhưng cậu chỉ cần mang nó đi sửa thôi.”

Cậu ta cười và săm soi chiếc đồng hồ trong tay. Nhìn vào bàn tay ấy, tôi chỉ thấy nó thật hung tợn và vô cùng đáng ghét, và tôi đau đớn nhận ra những thứ đó đã chạm tới cuộc sống và sự yên bình của tôi như thế nào.

“Nó làm bằng bạc thật đấy.” Tôi lí nhí.

“Tao chẳng quan tâm cái thứ cổ lỗ sĩ này có bằng bạc hay không. Mày tự đem đi mà sửa.” Cậu ta nói một cách khinh bỉ.

“Nhưng mà Franz!” Tôi hét lên, run rẩy sợ rằng cậu ta sẽ đi mất.

“Xin cậu chờ đã. Tại sao cậu lại không nhận nó? Nó thực sự làm bằng bạc mà. Tôi cũng chẳng còn gì khác nữa.”

Cậu ta ném cho tôi một cái nhìn đầy khinh miệt và nói:

“Mày biết giờ tao sẽ đi gặp ai rồi đấy. Hoặc tao cũng có thể đi báo cảnh sát nữa. Tao khá thân với một tên hạ sĩ.”

Kromer quay lưng như thể chuẩn bị rời đi. Tôi nắm chặt ống tay áo của cậu ta. Tôi không thể để cậu ta đi được, tôi thà chết còn hơn phải chịu đựng những thứ có thể xảy ra nếu bị tố cáo như vậy.

“Franz.” Tôi van nài bằng thứ giọng đã khản đặc. “xin cậu đừng làm chuyện dại dột như thế. Cậu chỉ đùa tôi thôi mà phải không?”

“Đúng, tao đang đùa đấy, nhưng mà đùa cũng dễ thành thật lắm.”

“Hãy nói tôi nghe cậu muốn tôi làm gì hả Franz, tôi sẽ làm mọi điều mà cậu muốn.”

Cậu ta lại dùng cái cặp mắt ti hí ấy nhìn tôi từ trên xuống dưới rồi lại phá lên cười.

“Mày đừng ngu ngốc thế. Mày cũng thừa biết rằng tao có thể kiếm ra hai đồng. Tao không giàu tới mức có thể vứt cơ hội đó đi. Nhưng mày giàu mà phải không, mày còn có đồng hồ cơ mà? Mày chỉ cần đưa tao hai đồng, thế là xong chuyện.”

Tôi hiểu cách nghĩ của cậu ta. Nhưng hai đồng mác Đức, với tôi nó cũng khó kiếm như mười, như trăm, như ngàn đồng mác vậy. Tôi chẳng có một cắc trong tay. Tôi có một cái ống tiết kiệm mà mẹ đang giữ, mỗi lần họ hang đến thăm họ đều thả vào đó năm mười cắc bạc. Đó là tất cả những gì tôi có vì chẳng được cho tiền tiêu vặt.

“Tôi không có, tôi không có xu nào cả. Nhưng tôi có thể cho cậu tất cả những thứ khác mà tôi có. Tôi có một mô hình chú lính bằng thiếc, và một cái la bàn. Chờ nhé, để tôi đi lấy chúng cho cậu.”

Cậu ta nhếch miệng lên khinh bỉ rồi nhổ nước bọt xuống sàn rồi đay nghiến:

“Mày cứ giữ lấy cái đống rác rưởi đó đi. Một cái la bàn ư? Đừng làm tao điên! Tao chỉ cần tiền!”

“Nhưng tôi không có, tôi chẳng bao giờ có, tôi làm sao có thể đưa cho cậu.”

“Được thôi, mày có thể đưa tao và ngày mai. Tao sẽ chờ mày ở gần khu chợ sau giờ học. Chấm hết. Nếu không mang đến, thì mày biết chuyện gì sẽ xảy ra rồi đấy.”

“Nhưng tôi biết lấy tiền ở đâu nếu không có nổi một đồng bây giờ?”

“Nhà mày có một đống tiền. Tự lo đi. Ngày mai sau giờ học. Và tao nói cho mày biết, nếu mày không mang đến…”

Cậu ta ném cho tôi cái nhìn khinh miệt, nhổ nước bọt thêm một lần nữa, rồi đi mất.

(còn tiếp)


*Chú thích

[1] Đứa con Hoang đàng: Dụ ngôn về đứa con hoang đàng hay người con trai hoang đàng là một trong những dụ ngôn của Chúa được ký thuật trong phúc âm Luke 15:11-32.

der_verlorene_sohn_max_slevogt

Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng:
“Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.”
Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì một nạn đói khủng khiếp xảy ra. Anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ:
“Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.””
Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Bấy giờ người con nói rằng:
“Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa..”
Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng:
“Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã lạc lối mà nay lại hối cải”.

Và họ bắt đầu ăn mừng. Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời:
“Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.”
Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”
Nhưng người cha nói với anh ta:
“Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã lạc lối giờ lại biết ăn năn.”

Đây là một trong những dụ ngôn được biết đến nhiều nhất của Chúa Giê-su, chỉ được chép lại trong Phúc âm Lu-ca, làm nổi bật thông điệp thần học của phúc âm này: Tình yêu và ân điển của Thiên Chúa được ban cho vô điều kiện. Sự tha thứ dành cho người con không dựa trên công đức, vì từ đầu cho đến cuối câu chuyện, khó có thể tìm thấy bất cứ việc lành nào chàng trai đã làm. Chỉ cần hành động quay về trong hối cải là đủ cho tấm lòng bao dung của người cha vẫn hằng mong đợi con mình.

Đứa con hoang đàng là hình ảnh khá phổ biến trong các gia đình Cơ Đốc đương đại, khi những đứa con đến tuổi trưởng thành quyết liệt khước từ niềm tin truyền thống của gia đình, bất kể những nỗ lực của cha mẹ dìu dắt con cái họ từng bước lớn lên trong đức tin, cùng những lời cầu nguyện thấm đẫm tình yêu dành cho đứa con yêu dấu. Kiêu hãnh và mạnh mẽ, chàng trai tìm đến những vùng đất xa lạ, buông mình vào các cuộc phiêu lưu, và háo hức dò tìm các giá trị mới, cho đến khi ngã quỵ trước thất bại và tuyệt vọng. Khi ấy, đứa con hoang đàng mới nhận biết hơi ấm vòng tay ôm của người cha là quý biết bao!

[2] Cây cầu vòm: Đây là kiểu kiến trúc xây cầu phổ biến của châu Âu, với cấu trúc chia mỗi nhịp cầu là một đường cong vòm
nagasakimeganebashi

[3] Đồng Mác Đức: Hay còn gọi là Mark. Là  là đơn vị tiền tệ chính thức của Tây Đức và kể từ năm 1990, là đơn vị tiền tệ chính thức của nước Đức thống nhất. Đồng mác Đức được phát hành lần đầu vào năm 1948 dưới thời kỳ Đồng minh chiếm đóng để thay thế đồng Reichsmark. Trong suốt thời gian từ năm 1948 đến cuối năm 2001, cho đến khi đồng Euro được lưu hành bằng tiền mặt vào đầu năm 2002, thì mác Đức là tiền tệ chính thức của Cộng hòa Liên bang Đức. Mác Đức ở hai dạng giấy bạc và tiền xu tiếp tục được lưu hành cho đến ngày 28 tháng Hai năm 2002 mới hết được lưu hành trên thị trường.

1974 J Germany 2 Mark Adenauer copy.jpg

Các nguồn tài liệu chú thích: 
https://vi.wikipedia.org/wiki/D%E1%BB%A5_ng%C3%B4n_%C4%90%E1%BB%A9a_con_hoang_%C4%91%C3%A0ng#N.E1.BB.99i_dung
https://en.wikipedia.org/wiki/Parable_of_the_Prodigal_Son
https://en.wikipedia.org/wiki/Mark_(currency)
https://vi.wikipedia.org/wiki/M%C3%A1c_%C4%90%E1%BB%A9c
https://en.wikipedia.org/wiki/Arch_bridge


Hết phần I – Chương I.

BẢN DỊCH TIẾNG VIỆT THUỘC SỞ HỮU CỦA THE LITTLE GROUND-FLOOR.
XIN KHÔNG REPOST TẠI NƠI KHÁC HOẶC SỬ DỤNG VÀO MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI.

21 thoughts on “[Trans] Demian – Chương I (I)

    1. Bản dịch này hay lắm luôn chị! ❤️ Chị biết kẻ đâu bán cuốn truyện này kh ạ?!!! Thanks chị nhiềuuuu!

      Like

  1. Bản dịch mượt quá đi, thật sự rất là hay luôn đó TvT!
    Thật sự rất cảm ơn vì đã dịch tác phẩm này ạ.
    Em sẽ tiếp tục đợi chương sau ạ ~(•▼•)~

    Liked by 1 person

  2. Dear Trệt,
    Mình không thể tìm được nút reblog hay nút vote up cho bài mục lục, tại sao :((
    Cảm ơn vì nửa chương I mà mình được tiếp xúc lần đầu tiên =)) Chúc ngủ ngon.
    *cào móng thay ký tên xoẹt xoẹt*

    Liked by 1 person

  3. Đọc bản dịch này thích ghê luôn. Yêu thím nhiều. Cảm ơn thím nha.
    Em hóng những phần tiếp theo
    화 이 팅 !❤

    Like

  4. truyện rất hay và bản dịch cũng làm rất tốt, chăm chút, tỉ mỉ và dễ hiểu. Cảm ơn bạn nhiều

    Like

  5. chỉ muốn gửi đến dịch bạn lời biết ơn sâu sắc vì đã dịch DEMIAN, dịch rất mượt, rất hay,rất chỉnh chu mà lại chú thích kĩ càng nữa. cảm ơn bạn nhiều

    Like

Leave a comment